Ngay sau khi được chọn làm Tổng Giám đốc mới của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ngày
28/6, Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde đã nhận được nhiều lời chúc
mừng từ các nước thành viên.



Văn phòng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy khẳng định việc Bộ trưởng Tài chính
nước này được bổ nhiệm làm nữ Tổng Giám đốc đầu tiên của IMF là 'một chiến thắng
đối với nước Pháp'. Tổng thống Sarkozy đã gọi điện chúc mừng bà Lagarde.



Bộ trưởng Tài chính Anh và Đức cũng hoan nghênh việc bổ nhiệm bà Lagarde làm
Tổng Giám đốc IMF, cho rằng đó là 'tin vui không chỉ đối với nền kinh tế toàn
cầu mà còn đối với từng nước thành viên và châu Âu'. Các bộ trưởng nhấn mạnh
quyết định bổ nhiệm trên là 'một lựa chọn tuyệt vời.'



Trong khi đó, Chủ tịch Ủy
ban châu Âu Jose Manuel Barroso đã hoan nghênh 'vai trò quyết
định' của bà Lagarde trong 'các vấn đề kinh tế và tiền tệ của châu Âu' trong 5
năm qua, khi thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất
trong một thế kỷ.



Về phần mình, trong một tuyên bố đưa ra sau khi đắc cử, bà Lagarde đã cảm ơn
các nước thành viên IMF vì đã ủng hộ bà, đồng thời khẳng định mục tiêu của mình
là phục vụ tốt tất cả các thành viên của định chế cho vay toàn cầu này.



Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn đánh giá của các chuyên gia kinh tế cho
biết, trên cương vị mới bà Lagarde sẽ phải đối mặt với sức ép mạnh mẽ từ các
nước mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brain muốn có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong
tổ chức tiền tệ toàn cầu.



Bà cũng sẽ phải lãnh đạo tổ chức này đảm đương vai trò chủ chốt trong việc
giải thoát các nước trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), trong đó có Hy
Lạp, ra khỏi suy thoái tài chính hiện nay. Bên cạnh đó, bà Lagarde cần phải bắt
tay ngay vào việc cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu để ngăn chặn sự suy thoái
kinh tế hơn nữa hay sự trở lại khó khăn ở một số đầu tàu kinh tế, như Mỹ và một
số nước châu Âu.



Bà Lagarde sẽ chính thức nhậm chức Tổng Giám đốc IMF vào ngày 5/7 tới, trở
thành nữ lãnh đạo đầu tiên của IMF kể từ khi tổ chức này ra đời vào năm 1945. Bà
Lagarde thay ông Dominique Strauss-Kahn, người nắm giữ chức vụ này từ ngày
1/11/2007 đến ngày 18/5/2011 và vừa phải từ chức do liên quan tới vụ bê bối tình
dục.



IMF là một tổ chức tín dụng lớn nhất toàn cầu với chức năng trợ giúp các
khoản vay cho các nước thành viên gặp vấn đề về tài chính. Tổ chức này hiện có
187 nước thành viên và Ban Điều hành của IMF có 24 thành viên, gồm các giám đốc
do các nước thành viên hoặc nhóm các nước thành viên chỉ định hoặc bầu.



Giá trị phiếu bầu giám đốc tỉ lệ thuận với sự góp vốn của các nước vào tổ
chức tín dụng này, trong đó giá trị lớn nhất thuộc về Mỹ, gần 17%; tiếp theo là
Nhật Bản gần 6,3%; Đức 5,8%; Pháp và Anh mỗi nước là 4,3%; Trung Quốc 3,8%; và
Nga 2,4%. Các nước châu Âu nắm giữ hơn 45% giá trị phiếu bầu./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: