Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV).


Ngày 1/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, trong đó Quốc hội sẽ nghe báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.



Theo báo cáo giám sát, trong vòng 15 năm trở lại đây, nước ta đã tiến hành 3 cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, một lĩnh vực rất nhạy cảm. Mỗi lần tái cơ cấu đều xuất phát từ những yêu cầu cấp thiết của tình hình kinh tế trong nước và tác động diễn biến kinh tế thế giới.



Nhìn lại 3 giai đoạn tái cơ cấu



Giai đoạn sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 kéo dài từ năm 1998 đến 2003. Kết thúc lần 1, đã sắp xếp, chấn chỉnh 14 ngân hàng thương mại (đóng cửa, rút giấy phép 01 ngân hàng, sáp nhập 07 ngân hàng, cho ngân hàng khác mua lại 01 ngân hàng, hợp nhất 01 ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn với 01 công ty tài chính cổ phần, chuyển 04 ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị). Ngoài ra, nợ xấu giảm từ 13% giai đoạn 1996-1998 xuống 5% năm 2003.



Giai đoạn 2 từ 2005-2008, đây là giai đoạn nước ta bắt đầu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Kết thúc giai đoạn này, đã chuyển đổi 12 ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị, quy mô tài sản toàn hệ thống năm 2010 tăng 10 lần so với 2001, lợi nhuận chung năm 2010 tăng hơn 20 lần so với 2001, nợ xấu năm 2010 là 2,16%.



[Đến cuối năm, nợ xấu còn khoảng 6%]



Giai đoạn 3 là cơ cấu lại nền kinh tế 2011-2015. Trong tái cơ cấu lần này có 09 tổ chức tín dụng yếu kém cần sắp xếp chấn chỉnh. Hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần được sắp xếp, chấn chỉnh lần này cũng là các ngân hàng đã từng được tái cơ cấu hai lần trước.



Theo Ủy ban Thường vụ, từ thực tiễn hai lần tái cơ cấu trước, tái cơ cấu lần này tương tự lần thứ nhất nhưng quy mô tài sản lớn hơn và có tính phức tạp hơn.



Cũng theo Ủy ban này, các ngân hàng đã tái cơ cấu hai lần trước là Ngân hàng Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa, Sài Gòn, Habubank đã tái cơ cấu lần 1. SHB đã tái cơ cấu lần 2 (chuyển từ ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn Nhơn Ái). Ngân hàng Nam Việt cũng đã tái cơ cấu lần 2 (chuyển từ Ngân hàng Thương mại cổ phần nông thôn Sông Kiên). Tương tự, ngân hàng Phương Tây được chuyển từ Ngân hàng Thương mại cổ phần nông thôn Miền Tây, Ngân hàng Đại Tín được chuyển từ Ngân hàng Thương mại cổ phần nông thôn Rạch Kiến, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu được chuyển từ Ngân hàng Thương mại cổ phần nông thôn Ninh Bình.



Như vậy, rất nhiều ngân hàng dù đã được tái cơ cấu giai đoạn trước đây song vẫn tiếp tục rơi vào khó khăn.



[Tái cơ cấu: Chặng đường vẫn còn dài phía trước]




Đối với giai đoạn hiện nay, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ, sau hơn 2 năm thực hiện, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt 8/9 phương án cơ cấu lại của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Đến nay có 03 ngân hàng đã hợp nhất với nhau, 01 ngân hàng đã được hợp nhất với 01 tổ chức tín dụng khác, 01 ngân hàng đã được sáp nhập vào 01 ngân hàng khác, 03 ngân hàng đã được chấp thuận phương án tự cơ cấu lại.



Cũng theo báo cáo Ủy ban Thường vụ, các ngân hàng thương mại nhà nước bảo đảm an toàn thanh khoản, tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các tổ chức tín dụng về vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng.



Cụ thể, vốn điều lệ chiếm 30,8% tổng vốn điều lệ toàn hệ thống, hiệu quả kinh doanh cao hơn so với mức bình quân toàn hệ thống, thị phần tài sản tăng liên tục, thị phần huy động tăng trở lại sau sự sụt giảm vào năm 2013, tiếp tục giữ vị trí chi phối về thị phần tín dụng (trên 52%). Tỷ lệ nợ xấu của khu vực này thấp hơn so với mức bình quân cả hệ thống.



Những số liệu này cho thấy, các ngân hàng thương mại Nhà nước đã tiếp tục nâng cao vai trò dẫn dắt và vị trí chi phối thị trường theo định hướng nêu trong Đề án tái cơ cấu.



Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại, xử lý nợ xấu các ngân hàng thương mại cổ phần. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt 18 phương án. Đối với khối tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát, đánh giá xác định một số trường hợp mà chi phí cơ cấu lại quá lớn so với lợi ích của việc duy trì hoạt động để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý thông qua sáp nhập.



Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).


Sở hữu chéo thao túng hoạt động ngân hàng





Mặc dù ghi nhận sự chuyển biến của hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu, song báo cáo giám sát của Quốc hội cũng chỉ rõ, còn rất nhiều vấn đề đáng lo về hệ thống ngân hàng hiện nay, cũng như tính hiệu quả của các giải pháp tái cơ cấu thời gian qua.



Theo báo cáo, đến nay, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số ngân hàng thương mại cổ phần không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng.



Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng tổ chức tín dụng nói riêng cũng như toàn hệ thống tổ chức tín dụng nói chung, gây cản trở đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Thực tế trên tồn tại kéo dài nhiều năm, cần được xử lý từng bước, nhưng quyết liệt, triệt để và bằng nhiều giải pháp đồng bộ.



Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu chậm do vướng mắc cả về thể chế và mô hình. Hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) còn gặp một số vướng mắc như: Mặc dù không sử dụng tiền ngân sách để mua nợ xấu nhưng những trái phiếu đặc biệt của VAMC phát hành có thể được sử dụng để vay tái cấp vốn, tái chiết khấu với Ngân hàng Nhà nước; cùng với những bất cập trong quy định pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm dẫn đến khó xử lý nhanh và hiệu quả các khoản nợ xấu này.



Ngoài ra, cơ sở pháp lý cho mua bán nợ xấu chưa rõ ràng, thiếu cơ chế, nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu. Trong khi các bên liên quan thiếu động cơ để đẩy mạnh tiến trình xử lý nợ xấu thì bản thân VAMC không đủ nguồn lực để thực hiện theo phương thức 'mua đứt bán đoạn”.



Một số giải pháp áp dụng trong quá trình tái cơ cấu còn mang tính tình thế. Việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong tái cơ cấu rất quan trọng nhưng còn thiếu quyền hạn xử lý, hiệu quả còn hạn chế.



Các giải pháp được triển khai trong thời gian qua, chủ yếu là tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu, đã làm giảm mức độ năng lực tài chính, hiệu quả kinh doanh của tổ chức tín dụng trong ngắn hạn. Xử lý nợ tồn đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản chậm, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bất động sản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì nợ xấu vẫn tiềm ẩn rất lớn, xử lý khó khăn hơn và có nguy cơ tăng mạnh.



Một vấn đề nữa cũng được đoàn giám sát chỉ ra là khách hàng vay cũng chưa chủ động cơ cấu lại hoạt động, tăng cường năng lực tài chính, quản trị và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh để trả nợ ngân hàng do tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó nhiều trường hợp khách hàng vay trây ỳ, trốn tránh trách nhiệm trả nợ và không hợp tác với ngân hàng trong việc xử lý nợ. Một số tổ chức tín dụng thì chưa chủ động tái cơ cấu và tích cực xử lý nợ xấu, bán nợ xấu cho VAMC, đồng thời chưa minh bạch chất lượng tín dụng và nợ xấu.



Báo cáo kết luận, thực tế trong 15 năm qua, nước ta đã thực hiện ba lần tái cơ cấu chỉ ra hạn chế đối với lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là việc cấp phép thành lập các ngân hàng mới và chuyển đổi loại hình. Sự phát triển nhanh về số lượng các ngân hàng thương mại, chuyển đổi các ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn lên ngân hàng thương mại cổ phần đô thị chưa thực sự gắn kết với việc đánh giá chất lượng quản trị ngân hàng (vốn chủ sở hữu, trình độ, chuẩn mực và công nghệ quản trị), tạo sự bất ổn, mất an toàn cho hoạt động ngân hàng./.


Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: