Bệnh tự kỷ hay rối loạn phát triển lan toả là một bệnh mãn tính ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển trí tuệ và hành vi cũng như khả năng học tập, sinh hoạt và khả năng thích ứng của trẻ sau này.Tự kỷ là một dạng rối loạn trong phát triển của não hay tổn thương não. Bệnh thể hiện rõ rệt khi bé được 2-3 tuổi. Tuy nhiên, có thể phát hiện sớm từ lúc bé khoảng 9 tháng.

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT TRẺ BỊ TỰ KỶ
1. Khiếm khuyết kỹ năng tương tác xã hội:Trẻ thích chơi một mình, cố ý ngồi cách xa bạn bè, không chơi hòa đồng được với bạn, thiếu sự trao đổi qua lại về mặt tình cảm với người xung quanh, thường tránh tiếp xúc bằng mắt với người xuang quanh, không đáp ứng với lời nói hoặc không quay lại khi được gọi tên. Gần như không có các giao tiếp không lời như gật đầu, lắc đầu, chỉ tay.Trẻ không quan tâm đến ngoại cảnh nên hầu như không biết sợ, chạy ra trước cửa nhà mà không nhìn xe, thậm chí nghe tiếng xe cũng không biết tránh xe.Trẻ không biết bắt chước, hoặc rất kém
2. Rối loạn ngôn ngữ giao tiếp:Chậm nói hoặc hoàn toàn không có ngôn ngữ nói, có khi trẻ nói theo ngôn ngữ riêng mà không ai hiểu được. Với những trẻ có khả năng nói, thì ngôn ngữ giao tiếp nghèo nàn, khi được hỏi thì không biết trả lời mà lặp lại hoàn toàn câu hỏi của người khác, hoặc nói đảo ngược cấu trúc câu. Trẻ thường chỉ nói những yêu cầu của trẻ bằng những cụm từ ngắn. Hay nói sai ngữ cảnh, dùng đại từ không đúng (ví dụ xưng “con” với tất cả mọi người, kể cả đối với anh/ em…)Thường thì trẻ không thể bắt đầu một cuộc nói chuyện và gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì đối thoại.
3. Rối loạn hành vi:Có các họat động lặp đi lặp lại: vỗ tay, cử động tay bất thường (múa tay trước mặt), lắc người, đi nhón gót, xoay vòng tròn, chạy loanh quanh hoặc đi tha thẩn trong khi các bạn đang ngổi tập trung lại 1 chỗ. Quá thích một món đồ chơi gì đó, hoặc một bộ phận của món đồ chơi…Có những trẻ có những hành vi tăng động, hay đập phá đồ đạc, tấn công trẻ khác, hoặc tự huỷ hoại bản thân như đập đầu, cắn tay…

TẠI SAO LẠI GỌI LÀ RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN LAN TOẢ?
Các bé bị tự kỷ có các tế bào não bị chết nằm rải rác ở nhiều vùng khác nhau. Phần não nào xuất hiện các tế bào não bị chết thì chức năng do phần não ấy phụ trách sẽ bị rối loạn. Vì oxy và dưỡng chất không đi qua phần tế bào não chết này để đến nuôi các phần não khoẻ phía sau được, nên những phần não khoẻ này không nhận no đủ dưỡng chất, sẽ ở trong tình trạng đói và hoạt động kém. Như vậy, những phần não này cũng bị rối loạn nhẹ nhẹ. Đây là hiện tượng lan toả của tình trạng rối loạn phát triển.Một trẻ tự kỷ, ngoài việc rối loạn kỹ năng tương tác xã hội, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn hành vi, có thể kèm theo các rối loạn khác như: rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, rối loạn lo âu trầm cảm, rối loạn cảm nhận về các cơ quan giác quan.
VẬY NGUYÊN NHÂN TẠI SAO CON TÔI BỊ TỰ KỶ? CÓ PHẢI DO MÔI TRƯỜNG SỐNG, DO CHA MẸ THIẾU QUAN TÂM KHÔNG?
Khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của bệnh tự kỷ. Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh này như: bà mẹ mang thai bị nhiễm virus, sản giật, nhiễm độc thai nghén, suy dinh dưỡng bào thai… tổn thương xảy ra khi sinh như đẻ non, trẻ ngạt khi sinh, phải có sự can thiệp sản khoa như mổ, hoặc những tổn thương đối với trẻ sau khi sinh như vàng da bệnh lý, suy hô hấp phải thở máy…Nếu cho rằng trẻ bị tự kỷ là do cha mẹ thiếu chăm sóc là hoàn toàn sai lầm. Việc đổ lỗi cho cha mẹ là nguyên nhân gây bệnh cho con, khiến cha mẹ gánh chịu áp lực tâm lý nặng nề. Thậm chí khiến cha mẹ bị trầm cảm và sau đó đứa trẻ bệnh nặng thêm vì cha mẹ không còn tinh thần để dạy dỗ, can thiệp sớm cho trẻ.

KINH NGHIỆM BẢN THÂN TÔI CÓ CON BỊ TỰ KỶ
Đến bây giờ nghĩ lại, tôi mới nhận ra, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy con tôi bị tự kỷ từ khi bé khoảng 5-7 tháng, nhưng tôi lại không biết.Lúc 5 tháng tuổi, bé nhìn chăm chú theo chiếc xe chạy ngang qua, cho đến khi chiếc xe đi mất, trong khi một bé gái ngồi cạnh đang rất muốn làm quen với bé thì bé lại không quan tâm.Lúc 7 tháng tuổi, tôi có cho bé tham gia một lớp “chơi với nhạc”, tức là mẹ và bé chơi đùa cùng nhau theo nhịp điệu của nhạc và các hướng dẫn của giáo viên. Rất ngạc nhiên khi thấy các bé khác rất hứng thú với trò chơi và âm nhạc, trong khi con tôi mỗi khi xoay người bé, đưa bé lên xuống theo tiếng nhạc là bé sợ. Thậm chí bé khóc rất nhiều khi tất cả mọi người đồng loạt vừa hát vừa vỗ tay. Mãi đến khi bé 2,5 tuổi bé vẫn còn khóc khi mọi người cùng hát và vỗ tay với bé.Lúc bé 15 tháng, bé có thể xoay người rất nhiều vòng mà không bị ngã, lúc đó chỉ nghĩ là sao con giữ thăng bằng giỏi quá vậy. Bé đi học, bé cứ đi loanh quanh trong lớp, cô giáo cứ phải kéo vào vòng tròn chung với các bạn, hở ra một chút là bé chạy ra khỏi hàng.Bé đặc biệt thích xe hơi đồ chơi, nhưng không biết đẩy xe chạy đua, mà chỉ thích nhìn ngắm xe, và xếp xe thành hàng rất ngay ngắn. Mình lấy xe ra khỏi hàng, bé sẽ bỏ xe vào lại vị trí ngay…

VẬY PHẢI LÀM GÌ KHI TRẺ BỊ TỰ KỶ?


Nếu không điều trị kịp thời trẻ không có khả năng hòa nhập với cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.Liệu pháp tốt nhất hiện nay là gia đình. Cha mẹ cần được trang bị kiến thức từ internet, bệnh viện, giáo viên chuyên biệt, trung tâm dạy trẻ chuyên biệt… để là người trực tiếp can thiệp, điều trị cho con, giúp con khắc phục những điểm yếu như tập trung vào giảng dạy cách thức giao tiếp, ứng xử, các kỹ năng sống cơ bản, tăng cường khả năng vận động cho trẻ.Có thể cha mẹ nhờ giáo viên chuyên biệt giúp đỡ, nhưng phải theo dõi sát sao sự phát triển của con, có như vậy bé mới tiến bộ được. Giao trẻ hoàn toàn cho trường chuyên biệt, mà không có tác động từ phía gia đình thì hiệu quả không cao.Phát hiện bệnh sớm, tiến hành can thiệp sớm, sẽ giúp trẻ dễ hoà đồng với môi trường và xã hội hơn