Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Chiều tối ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước cho bết, tính đến ngày 27/11, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,22% so với cuối năm 2013. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.



Để có được con số trên, trong thời gian qua trên cơ sở theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng và toàn hệ thống, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cho một số tổ chức tín dụng có nhu cầu, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xử lý các vướng mắc liên quan đến hoạt động tín dụng.



Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, lãi suất với khách hàng, tổ chức; triển khai chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực để mở rộng tín dụng có hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, góp phần bảo đảm an sinh-xã hội, tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.



Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 27/11, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,28%, huy động vốn tăng 13,33% so với cuối năm 2013, trong đó huy động vốn VND tăng 14,74% chủ yếu ở khu vực dân cư trong điều kiện mặt bằng lãi suất VND giảm cho thấy gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh lựa chọn của người dân. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo và dư thừa, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng ổn định ở mức thấp.



Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay (kể cả các khoản cho vay cũ) về mức dưới 13%/năm. Đến nay mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đã giảm 1,5-2,0%/năm so với cuối năm 2013, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ.



Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực giảm; đến ngày 06/11/2014, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 3,95% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 11,1% tổng dư nợ cho vay bằng VND, giảm so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013.



Đối với tỷ giá, từ giữa tháng 11, tỷ giá có xu hướng tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý trước tin đồn về việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá. Một số tổ chức tín dụng có nhu cầu mua ngoại tệ để cải thiện trạng thái vào dịp cuối năm nhưng nhu cầu không lớn. Xét về tổng thể, cung cầu ngoại tệ vẫn ổn định, nguồn cung ngoại tệ diễn biến tích cực trong khi chưa xuất hiện nhu cầu lớn về ngoại tệ.



Sau khi Ngân hàng Nhà nước có thông cáo báo chí khẳng định không điều chỉnh tỷ giá, thực hiện bán can thiệp ngoại tệ bình ổn thị trường, tâm lý thị trường đã ổn định trở lại và tỷ giá đã có xu hướng giảm.



Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát thị trường, điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá, trọng tâm là điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Điều hành ổn định lãi suất và tỷ giá,sẵn sàng bán can thiệp ngoại tệ trong trường hợp cần thiết.



Bên cạnh đó, sẽ tập trung triển khai các giải pháp tín dụng để phấn đấu đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 2014 là 12-14%,góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tiếp tục triển khai các chương trình gắn kết tín dụng ngân hàng với chính sách ngành kinh tế, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh triển khai việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu nhằm lành mạnh hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống./.


Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: