11 quốc gia thành viên của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) ngày 10/10 đã
nhất trí sẽ xúc tiến áp dụng thuế đánh vào các giao dịch tài chính, với mục tiêu
buộc các nhà giao dịch phải chia sẻ chi phí khắc phục cuộc khủng hoảng đang
hoành hành tại Eurozone.



Sáng kiến này, do Đức và Pháp khởi xướng nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của
Anh, Thụy Điển và một số nước khác.



Tuy nhiên, tại phiên họp các Bộ trưởng Tài chính của Liên minh châu Âu (EU) ở
Luxembourg, sáng kiến này đã giành được sự ủng hộ của trên chín nước (tức vượt
cả mức quy định).



Được chuyên gia kinh tế Mỹ James Tobin đề xuất vào năm 1972 nhằm giảm bớt sự bất
ổn của thị trường tài chính, loại thuế thường được gọi là thuế Tobin này tượng
trưng cho ý chí chính trị mong muốn các ngân hàng, các quỹ đầu tư, các nhà giao
dịch 'tần suất cao' phải trả phí giúp khắc phục nợ.



Thứ trưởng Tài chính Áo, Andreas Schieder nhận xét đây một bước tiến nhỏ đối với
11 nước nhưng lại là bước nhảy vọt đối với châu Âu.



Thỏa thuận này làm dấy lên hy vọng về một nhóm nước tiên phong trong lòng châu
Âu lần đầu tiên tung ra một loại thuế chung của nhóm mà không có sự nhất trí của
khối 27 quốc gia. Động thái này có thể khiến thị trường thống nhất của liên minh
đối với các dịch vụ tài chính bị phân khúc.



Quyết định của 11 nước diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của EU dự tính
kiến tạo một ngân sách riêng cho 17 quốc gia Eurozone, song song với ngân sách
chung của EU - một bước tiến nữa để tiến tới một châu Âu hai tốc độ tăng trưởng.




Ủy viên EU phụ trách về thuế Algirdas Semeta nhận định, thuế đánh vào giao dịch
tài chính là nguồn thu mới từ một khu vực kinh doanh ít bị thuế 'sờ' tới và là
một công cụ khuyến khích các giao dịch có trách nhiệm hơn.



Hy vọng loại thuế đó sẽ giúp khắc chế những hoạt động thương mại rủi ro, mang
tính đầu cơ và tạo ra một nguồn quỹ mà có thể sẽ được sử dụng để giúp những ngân
hàng gặp nhiều khó khăn.



Tuy nhiên, những ý kiến chỉ trích cho rằng loại thuế này có thể bóp méo thị
trường châu Âu khi 'khuyến khích' các công ty tài chính chuyển hoạt động giao
dịch của họ tới các trung tâm tài chính châu Âu không áp mức thuế này, hoặc buộc
họ rời bỏ châu Âu.



Trong khi đó, Anh - trung tâm giao dịch lớn nhất khu vực - sẽ không tham gia kế
hoạch này.



Bộ trưởng Tài chính Áo Maria Fekter cho biết, 11 nước sẽ giới thiệu mô hình thuế
vào cuối năm nay. Dự kiến, loại thuế này sẽ được thực hiện vào năm 2014. Các
nước dự định áp dụng mức thuế này vẫn chưa thống nhất tiền thu thuế sẽ đổ vào
đâu và cách sử dụng số tiền này.



Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, thuế đánh vào các giao dịch chứng khoán, trái
phiếu và các sản phẩm phái sinh nếu được áp dụng trên toàn EU từ năm 2014 sẽ
giúp thu về 57 tỷ euro (74 tỷ USD)/năm./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: