Chương trình tư nhân hóa của Hy Lạp được nối lại trong tháng 10, chậm gần nửa
năm so với kế hoạch ban đầu.



Sự chậm trễ này được đánh giá như là một 'nguy cơ' đối với mục tiêu của nước này
huy động hàng tỷ euro cần thiết và ảnh hưởng xấu tới sự tín nhiệm của các “chủ
nợ” đối với cam kết thực hiện cải cách kinh tế tại Hy Lạp.



Các chính trị gia Hy Lạp đang chịu sức ép rất lớn trước việc nước ngoài thúc
giục họ phải bán các tài sản quốc gia với giá rẻ, và phải nhanh chóng huy động
thêm tiền mặt để giảm bớt gánh nặng nợ công.



Nỗ lực đưa chương trình tư nhân hóa trở thành công cụ để loại bỏ các lề thói làm
ăn kinh doanh thiếu lành mạnh và khôi phục lòng tin của giới đầu tư nước ngoài
đối với Hy Lạp cũng gặp nhiều thách thức không kém.



Trong bối cảnh đó, Quỹ phát triển tài sản công của Hy Lạp có tên là Hellenic
Republic Asset Development Fund, đã được thành lập cách đây 15 tháng, nhằm cải
biến hàng chục doanh nghiệp nhà nước, qua đó giúp tăng giá trị của các tài sản
công trước khi cho thuê hoặc bán chúng thông qua đấu thầu.



Nhiều người hy vọng rằng việc tiến hành chương trình tư nhân hóa và số tiền có
được từ chương trình này sẽ giúp Hy Lạp phá vỡ được chu kỳ “thắt lưng buộc bụng”
và tình trạng suy thoái kinh tế, khi sản lượng kinh tế nước này đã giảm gần 1/4
kể từ năm 2008 và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên gần 25%.



Hy Lạp - quốc gia thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có tỷ
lệ nợ công/GDP cao nhất - đã nhiều lần không đáp ứng được các điều kiện để nhận
được gói cứu trợ tài chính của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế
(IMF), và thậm chí còn đứng trước nguy cơ buộc phải ra khỏi liên minh tiền tệ
Eurozone.



Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng nếu Athens thực hiện thành công, tiến
trình tư nhân hóa sẽ giúp GDP của nước này tăng thêm khoảng 3,5%/năm từ năm
2013, đủ để giúp 'xứ sở của các vị Thần' tăng trưởng trở lại và tạo ra thêm
khoảng 150.000 việc làm trong dài hạn.



Thu hút đầu tư nước ngoài



Để tạo ra sự minh bạch hơn và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Quỹ phát triển
tài sản công của Hy Lạp đã được thành lập vào tháng 7/2011, với vai trò như một
cơ quan độc lập.



Nhiệm vụ cốt lõi của quỹ là huy động thêm 19 tỷ euro vào
ngân khố Hy Lạp vào năm 2015, nhưng điều quan trọng hơn cả là làm sao để các thị
trường quốc tế nhìn nhận như là đáp ứng các điều kiện để nhận được gói cứu trợ
tài chính trị giá 173 tỷ euro.



Một quan chức cấp cao của Hy Lạp cho biết mục tiêu của chương trình tư nhân hóa
này, dù đã hạ xuống từ mục tiêu ban đầu huy động 50 tỷ euro, vẫn là không thực
tế do mức độ tín nhiệm của Hy Lạp còn thấp.



Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu cho
thấy thói quen kinh doanh tại Hy Lạp đang thay đổi theo chiều hướng tốt hơn,
khiến một số quan chức gọi đùa là “nền kinh tế kiểu Xôviết cuối cùng còn tồn tại
ở châu Âu.”



Một số chuyên gia của hãng tư vấn Aurasia nhận định rằng, Bộ trưởng Tài chính và
Thủ tướng Hy Lạp đang rất mong muốn được chứng tỏ cho cả châu Âu thấy mọi việc
đang tiến triển, với ưu tiên quan trọng là chương trình tư nhân hóa đang được
hoàn tất.



Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu đối với Chính phủ Hy Lạp, không chỉ
vì nó mang lại nguồn tài chính cần thiết cho ngân sách nước này, mà quan trọng
hơn cả là phát đi thông điệp tích cực đến các quỹ tín dụng quốc tế nhằm nhận
được các gói cứu trợ tài chính để vượt qua cơn bão nợ.



Nỗi ám ảnh khủng hoảng nợ



Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras khẳng định rằng Chính phủ Hy Lạp sẽ nỗ lực hết
sức để khôi phục lòng tin với các quỹ tín dụng quốc tế, thông qua chính sách
“thắt lưng buộc bụng” trong tài khóa 2013-2014 và các điều kiện ngặt nghèo khác
do EU và Quỹ Tiền tệ Q uốc tế (IMF) áp đặt, nhằm có được khoản cho vay trị giá
31,5 tỷ euro.



Theo giới phân tích, nếu không có đợt giải ngân tiếp theo này, Hy Lạp có thể rơi
vào tình trạng vỡ nợ vào cuối năm 2012, có thể gây chấn động hệ thống tài chính
của châu Âu và toàn thế giới.



[EU-IMF: Hy Lạp còn 10 ngày để thực thi cải cách]



Báo Der Spiegel (Đức) số ra mới đây cho hay một nhóm kiểm toán quốc tế đã đưa ra
nhận định rằng Athens cần thêm hai năm nữa để thực hiện các cải cách kinh tế đầy
khó khăn, đồng thời giảm bớt núi nợ khổng lồ mà nước này đang gồng mình gánh
chịu.



Giám đốc điều hành IMF, Christine Lagarde nói: 'Hy Lạp đã thực hiện được một số
biện pháp tích cực nhằm đẩy lùi cuộc khủng hoảng nợ công và tiến gần hơn tới gói
cứu trợ quốc tế. Tuy vậy, nước này vẫn còn rất nhiều việc phải làm'./.






Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: