Những ngày gần đây, thông tin vàng giả SJC đã “gây nhiễu loạn” thị trường vàng, gây tâm lý bất ổn... Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thị trường vàng đang đi dần vào quỹ đạo và theo đúng “bài bản”, từng bước chống hiện tượng đầu cơ, giảm nhập lậu và tiến tới xóa bỏ việc huy động, cho vay bằng vàng.



Và quan trọng hơn, việc bình ổn thị trường vàng đã tạo điều kiện giữ ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát và cải thiện thanh khoản cho toàn hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.



3 bước đổi chiều “vàng hóa”



Nếu như trước đây, do chưa có quy định nên nhà nước gần như “bỏ ngỏ” thị trường vàng miếng, coi vàng miếng như bất kỳ loại hàng hóa mà ai cũng có thể mua bán được đẫn đến tình trạng nhập và xuất lậu vàng.



Dễ dàng nhận thấy, mỗi khi vàng nội chênh lệch so với vàng thế giới từ 400.000 đồng/lượng trở lên thì giới đầu cơ đã tận dụng, nhập lậu vàng diễn ra ồ ạt, dẫn đến tình trạng vơ vét ngoại tệ khiến tỷ giá USD/VND thị trường chợ đen tăng, kéo tỷ giá trên thị trường chính thức lên theo..., làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, lạm phát tăng cao.



Đó là chưa kể, vàng nhập vào Việt Nam nằm ứ đọng, không chuyển hóa ra thành được tiền đưa vào nền kinh tế. Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, lượng vàng trong hệ thống ngân hàng khoảng từ 150-180 tấn và cũng tương đương một lượng đó tồn tại ở trong dân. Điều đó cũng đồng nghĩa khoảng gần 20 tỷ USD bị chôn chặt, không đưa được vào phát triển kinh tế-xã hội.



“Nếu Ngân hàng Nhà nước có cố gắng thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới dưới 400.000 đồng/lượng thì cũng khá tốn kém, tiêu tốn khá lớn ngoại tệ, ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô. Do đó, từ việc triển khai thành công bước đầu là đóng cửa các sàn vàng, chúng tôi hướng đến các giải pháp làm thế nào vàng không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, chặn đứng việc dùng vàng làm phương tiện thanh toán,” ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước nói.



Xác định giải bài toán vàng phải đi từ gốc, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 95/NĐ-CP (ngày 20/10/2011) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, Nghị định số 24/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (ngày 3/4/2012). Đây có thể coi là hai “chốt chặn” quan trọng để ngăn chặn vàng nhập lậu, thanh lọc thị trường để giảm tình trạng đầu cơ, đẩy giá vàng lên cao.



Theo đó, kể từ ngày 25/5, các công ty nhập khẩu và kinh doanh vàng không còn chức năng dập vàng miếng, kể cả Công ty Vàng bạc đá quý SJC. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất có chức năng dập vàng miếng và lựa chọn thương hiệu SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia. Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định, mọi thương hiệu vàng miếng khác đều có giá trị lưu thông trên thị trường như nhau.



“Cũng có ý kiến thắc mắc tại sao lại lựa chọn thương hiệu SJC mà không phải là thương hiệu khác? Đây hoàn toàn là do thị trường điều tiết, mà thương hiệu SJC chiếm tới 95% lượng vàng miếng lưu thông cùng với giá luôn ổn định, độ tín nhiệm cao... Nếu lựa chọn thương hiệu vàng miếng khác thì số tiền chi phí phải bỏ ra để chuyển đổi là rất lớn (trung bình chi phí dập một miếng vàng là 50.000 đồng, chưa kể chi phí loại bỏ tạp chất và kiểm định chất lượng),” ông Huy lý giải.



Đại diện Ngân hàng Trung ương cũng nhấn mạnh, việc người dân mua phải các loại thương hiệu vàng miếng không đạt chất lượng, do không được kiểm định và có chứng nhận của đơn vị bán hàng, muốn chuyển đổi sang thương hiệu SJC thì đương nhiên phải chịu các loại phí kiểm định chất lượng và phí chuyển đổi theo quy định của doanh nghiệp. Về việc vàng “nhái,” vàng giả thì các cơ quan chức năng nếu phát hiện, sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.



Bên cạnh đó, Nghị định 95/NĐ-CP cũng góp phần hạn chế tình trạng nhập lậu vàng. Ngoài mức xử phạt cao, văn bản này đã tạo ra khuôn khổ pháp lý, chế tài xử lý mạnh mẽ, tạo nền tảng triển khai các bước tiếp theo.



Kết quả là từ tháng 4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước kiên quyết không cấp phép nhập khẩu vàng, giá vàng trong nước tuy vênh cao so với thế giới nhưng không ảnh hưởng đến tỷ giá và cơ quan này vẫn đang mua ròng ngoại tệ trên thị trường.



“Giá vàng trong nước tăng là do các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc mua vào nhằm cân bằng trạng thái. Cụ thể, từ tháng 4 trở lại đây, các ngân hàng thương mại đã mua 60,1 tấn vàng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã mua trên 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối đồng thời bơm ra một lượng vốn VNĐ nhất định để tăng thanh khoản cho toàn hệ thống, đưa vốn vào nền kinh tế. Có thể nói, đến nay chúng ta đã đi được gần hết bước 2 trong lộ trình 3 bước tiến tới xóa bỏ tình trạng ‘vàng hóa, đô la hóa’,” ông Huy cho biết.



Bước thứ 3 sẽ là bỏ việc huy động, cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc lùi thời hạn đóng tài khoản vàng của các tổ chức tín dụng để đảm bảo cho việc giữ ổn định thanh khoản toàn hệ thống, trên cơ sở nhận định tình hình cuối năm (quý 4) là thời điểm mà nhu cầu vốn tăng cao cho các hoạt động xuất nhập khẩu, thanh toán...



“Nói như vậy không có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước chùn tay, mà là để ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, thời hạn lùi cũng chỉ tính bằng tháng, đảm bảo cho việc chuyển đổi từ huy động và cho vay bằng vàng sang quan hệ mua-bán và Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ tham gia vào thị trường trong vai trò người mua hay người bán,” lãnh đạo Ngân hàng Trung ương khẳng định.



Được biết, hiện tại số lượng vàng các ngân hàng còn phải mua vào khoảng 20 tấn; trong đó có 3 ngân hàng gặp khó khăn trong việc đóng tài khoản, nhưng chỉ chiếm số lượng gần 8 tấn vàng.



Một quan chức Ngân hàng Nhà nước cũng tiết lộ, các cơ quan quản lý cũng đang tính toán đến khả năng áp thuế đối với việc mua bán mặt hàng kim loại quý này (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt), nhưng thời điểm áp dụng và mức thuế cũng sẽ được tính toán, cân nhắc cụ thể.



Gỡ “nút thắt” cho nợ xấu



Bên cạnh bình ổn thị trường vàng, thì tái cơ cấu hệ thống và xử lý nợ xấu cũng được Ngân hàng Nhà nước đưa vào tầm ngắm từ nay đến cuối năm.



Theo ước tính của cơ quan này, mặc dù con số nợ xấu đã được giải quyết từ đầu năm đến nay khoảng 36.000 tỷ, nhưng con số nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm cuối tháng 10/2012 vẫn chiếm vào khoảng từ 8,8%-10% trên tổng dư nợ. Trong số này, 84% nợ xấu là có tài sản đảm bảo và hiện tại các tổ chức tín dụng cũng đã trích lập được dự phòng rủi ro lên tới 70.000 tỷ đồng.



“Các khoản nợ xấu chủ yếu có tài sản đảm bảo là bất động sản. Vì vậy, nếu khơi thông thị trường này, nợ xấu sẽ cơ bản được giải quyết. Thế nhưng, để làm được điều này đòi hỏi phải có sự tham gia của các bộ, ngành chứ không chỉ riêng Ngân hàng Nhà nước. Ví dụ như giảm giá phù hợp với túi tiền, bán cho người có nhu cầu thật, diện tích phù hợp…,” Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh.



Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không nên chỉ coi là nợ xấu của ngân hàng, mà phải hiểu đó chính là nợ xấu của nền kinh tế. Từ đó, có các giải pháp tổng thể để xử lý nợ xấu, kể cả việc “giải tỏa” 93.000 tỷ đồng tiền nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản.



Một trong những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước tính đến, đó là thành lập Công ty mua bán nợ, với thành phần là đại diện của các cơ quan chức năng. Được biết, đề án này đã được hoàn thành và sẽ sớm được trình lên chính phủ thông qua, từ nay đến ngày 15/11. “Việc công ty mua bán nợ thuộc Ngân hàng Nhà nước là hợp lý bởi sẽ giúp tiết kiệm chi phí, sử dụng các công cụ tài chính hiệu quả... và trên hết là Ngân hàng Nhà nước hiểu rõ nợ xấu nằm ở đâu. Chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết được khoảng từ 60.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu nếu công ty này đi vào hoạt động,” ông Nghĩa cho hay.



Cùng với đó, việc tái cấu trúc các tổ chức tín dụng cũng đang được Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh, trên cơ sở thanh tra và mời các tổ chức kiểm toán độc lập đánh giá khách quan. Hiện có 9 ngân hàng được đưa vào diện tái cấu trúc, bao gồm: 3 ngân hàng đã thực hiện hợp nhất (Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn), Habubank (đã sát nhập vào SHB), Đại Tín, Nam Việt, Phương Tây, TienPhongBank và GPBank.



“Các ngân hàng đã tiến hành tự nguyện hợp nhất, sát nhập vẫn đang được chúng tôi theo dõi sát sao đồng thời với việc đốc thúc các ngân hàng còn lại nhanh chóng lên phương án tối ưu cho việc tái cơ cấu để ổn định hoạt động. Riêng các công ty tài chính có đặc thù nên cũng sẽ có phương án,” ông Nghĩa cho hay.







Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 19/10/2012, tăng
trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng là 2,77%. Huy động của các
tổ chức tín dụng tăng 14,02%; trong đó huy động VNĐ tăng 17,52% và huy
động bằng USD giảm 1,55%.




Đáng chú ý, huy động từ dân cư vẫn tăng trưởng
khá, tăng trên 23%.








Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: