Bế tắc trong tiến trình đàm phán về cứu trợ Hy Lạp có nguy cơ kéo
dài do các tổ chức cho vay thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ
Quốc tế (IMF) không nhượng bộ với bất kỳ thay đổi nào trong kế hoạch
cải cách thị trường lao động mà Athens phải thực hiện để nhận được
trợ giúp tài chính từ hai tổ chức này.



Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras ngày 28/10 cho biết nhóm
'Bộ ba' nói trên - gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu
(ECB) và IMF, không chấp nhận đề xuất của đảng Dân chủ cánh tả, muốn
thỏa thuận về tiền lương được áp dụng với mọi người lao động trên
toàn quốc, chứ không chỉ những người làm công trong các nghiệp đoàn,
và muốn nhóm 'Bộ ba' rút lui yêu cầu buộc Athens hủy kế hoạch tăng 10%
lương cho các cặp vợ chồng mới cưới.



Đảng Dân chủ cánh tả cho rằng những cải cách này vi phạm quyền
của người lao động, đồng thời dọa sẽ bỏ phiếu phản đối các thay đổi
này tại cuộc họp Quốc hội, dự kiến vào ngày 5/11 tới.



Hy Lạp cần đạt được thỏa thuận toàn diện về gói biện pháp 'thắt
lưng buộc bụng' và cải cách để được giải ngân phần cứu trợ trị giá
31,5 tỷ euro từ EU và IMF trước khi cạn sạch tiền vào giữa tháng 11
tới.



[Hy Lạp có thêm 2 năm để giảm thâm hụt ngân sách]



Theo các nhà quan sát, với việc liên minh cầm quyền giữ đa số 176
ghế trong Quốc hội 300 thành viên (trong đó đảng Dân chủ cánh tả có 16
ghế), thỏa thuận này có thể được thông qua tại Quốc hội, song sự
phản đối của đảng Dân chủ cánh tả có nguy cơ đe dọa liên minh cầm
quyền đang lỏng lẻo và khơi mào để một số nghị sỹ khác quay sang bỏ
phiếu chống những biện pháp vốn không được lòng dân này.



Cũng trong ngày 28/10, Công ty tư vấn kinh doanh toàn cầu BDO công bố
kết quả khảo sát cho thấy cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu vẫn là
một trong những mối lo ngại chính đối với các giám đốc tài chính
(CFO) toàn cầu, và Hy Lạp là môi trường đầu tư có nguy cơ rủi ro cao
hơn cả đất nước Syria bị chiến tranh tàn phá.



Theo Tổng Giám đốc BDO Martin Van Roekel, các CFO ngày càng cảnh giác
với khu vực Nam Âu, nơi môi trường đầu tư phần lớn rủi ro ngang với
tình hình bất ổn định chính trị ở Trung Đông. Hy Lạp không phải là
nước duy nhất trong Khu vực đồng euro gồm 17 thành viên bị liệt kê vào
'Top Ten' quốc gia có môi trường đầu tư rủi ro nhất trong cuộc khảo sát
này. Tây Ban Nha, 'gã khổng lồ' kinh tế thứ tư trong khu vực, đứng thứ
bảy trong danh sách của BDO.



Việc các CFO, đặc biệt từ các nền kinh tế mới nổi như Brazil và
Trung Quốc, không muốn đầu tư vào các nước chìm trong nợ nần ở châu Âu
càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực này.
Chưa kể, phần lớn sự phục hồi của các nước châu Âu này phụ thuộc
vào vai trò của khu vực tư nhân trong việc lấp đầy khoảng trống vốn
đầu tư do các kế hoạch cắt giảm chi tiêu quốc gia để lại.



Cuộc khảo sát cũng cho thấy mặc dù có dấu hiệu sụt giảm về kinh
tế, Trung Quốc vẫn được coi là địa chỉ hấp dẫn nhất để mở rộng đầu
tư, tiếp đến là Mỹ. Brazil, Ấn Độ, Đức và Anh cũng lọt vào danh sách
'Top Ten' các quốc gia đáng để mở rộng đầu tư. Chỉ có Iran và Iraq bị
đánh giá là có môi trường đầu tư rủi ro cao hơn Hy Lạp.



Cuộc khảo sát được tiến hành đối với 1.000 CFO thuộc các công ty
hạng trung trên toàn cầu hiện có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: