Chủ tịch Eurogroup, nhóm cố vấn gồm các bộ trưởng tài chính 17 nước thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ông Jeroen Dijsselbloem, cho biết thỏa thuận đạt được vào phút chót giữa Cộng hòa Síp và các chủ nợ quốc tế đã cứu vãn kế hoạch cứu trợ Síp, kết thúc gần 10 ngày Síp và Eurozone nằm trong tình trạng bất ổn và căng thẳng.



Thỏa thuận, đạt được sau 12 giờ đàm phán cam go, yêu cầu Síp đóng cửa Laiki - ngân hàng lớn thứ hai của Síp, và buộc những người có lượng tiền gửi trên 100.000 euro vốn không được đảm bảo theo luật pháp EU phải chịu thua thiệt (thực chất là cưỡng bức xóa nợ một phần) để đổi lấy gói cứu trợ 10 tỷ euro (13 tỷ USD).



Tổng thống Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades tỏ ý hài lòng với kết quả này. Trong khi đó, ông Jeroen Dijsselbloem cho biết các bộ trưởng tài chính Eurozone đã thông qua kế hoạch cứu trợ mới cho Cộng hòa Síp, đồng thời tỏ ý hoan nghênh các biện pháp nhằm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng ở quốc đảo này.



Ngay khi được các Bộ trưởng Tài chính Eurozone thông qua, kế hoạch này sẽ giúp khu vực tài chính của Síp không bị sụp đổ. Laiki sẽ bị khai tử và các khoản tiền gửi dưới 100.000 euro sẽ được chuyển sang Bank of Cyprus (Ngân hàng Síp) để tạo ra một 'ngân hàng lành mạnh.'



Trong khi đó, các khoản tiền gửi trên 100.000 euro tại cả hai ngân hàng trên - không được đảm bảo theo luật của EU - sẽ bị phong toả và sử dụng để giải quyết nợ của Laiki và tái cơ cấu lại Bank of Cyprus thông qua cơ chế chuyển đổi tiền gửi/cổ phần.



Chủ tịch Eurogroup cho biết 'cuộc đột kích' vào các đối tượng gửi tiền không được bảo hiểm ở Laiki sẽ giúp huy động được 4,2 tỷ euro.



[EU - IMF đạt thỏa thuận khôi phục cứu trợ cho Síp]



Người phát ngôn EU cho biết các ngân hàng của Síp sẽ không đánh thuế các khoản tiền gửi, nhưng chủ của các tài khoản lớn ở hai ngân hàng mạnh nhất Síp này có thể bị thiệt hại nhiều hơn so với dự kiến.



Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đánh giá thoả thuận này là kế hoạch 'toàn diện và đáng tin cậy,' giải quyết được vấn đề cơ bản trong hệ thống ngân hàng.



EU và IMF yêu cầu Síp huy động 5,8 tỷ euro từ khu vực ngân hàng để đưa vào gói cứu trợ tài chính của quốc tế. Người đứng đầu quỹ cứu trợ EU cho biết Síp phải nhận được đợt cứu trợ khẩn cấp vào tháng 5.



Khu vực ngân hàng của Síp hiện nắm giữ lượng tài sản gấp 8 lần quy mô nền kinh tế của quốc đảo này, đã bị 'tê liệt' do những tổn thất tại Hy Lạp, nơi giá trị trái phiếu của các chủ nợ tư nhân bị bốc hơi 75% năm 2012.



Các ngân hàng sắp đổ đang giữ một lượng tiền gửi trị giá 68 tỷ euro, trong đó 38 tỷ euro thuộc các tài khoản trên 100.000 euro./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: