Các thị trường tài chính,
tiền tệ thế giới cho đến nay nhìn chung phản ứng khá bình thản trước diễn biến
của cuộc 'giải cứu' Síp. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế lo ngại những hệ quả về
mặt kinh tế từ gói cứu trợ quốc tế 10 tỷ euro (13 tỷ USD) dành cho Síp phải một
thời gian nữa mới bộc lộ.



Các nhà đầu tư đã bán các tài sản ở châu Âu, chỉ có điều họ đã không tạo ra một
làn sóng đổ xô sang tìm kiếm các tài sản an toàn, một động thái nếu xảy ra có
thể sẽ làm dấy lên những mối quan ngại về sự tan rã của Khu vực sử dụng đồng
euro (Eurozone).



Giá cổ phiếu ngân hàng niêm yết bằng đồng euro giảm trên 10% kể từ giữa tháng
3/2013 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2012, giá trái phiếu ngân hàng khu vực
và tỷ giá đồng euro giảm mạnh trong tuần qua, trong khi các thị trường chứng
khoán Phố Wall vẫn chạm mức cao kỷ lục.



Gói cứu trợ 10 tỷ euro mà Síp nhận được từ bộ ba chủ nợ quốc tế đã giúp ngăn
chặn sự xáo trộn tài chính ngay trước mắt, một biến động có thể làm dấy lên cú
sốc trên các thị trường tài chính theo 'kiểu ngân hàng Lehman Brothers.'



Tuy nhiên, để có được gói cứu trợ này, Síp đã phải đánh đổi bằng việc đóng cửa
ngân hàng lớn thứ hai nước này Ngân hàng Nhân dân Síp (Laiki), phong tỏa các
khoản tiền gửi trên 100.000 euro tại Laiki, sau đó sử dụng số tiền gửi này (ước
tính lên tới 4,2 tỷ euro) để giải quyết nợ và tái cơ cấu Ngân hàng Síp (BoC) -
ngân hàng lớn nhất quốc đảo Địa Trung Hải - thông qua cơ chế chuyển đổi tiền gửi
thành cổ phần.



Những người gửi tiền với số tiền lớn bỗng dưng 'bị buộc' phải trở thành một phần
trong gói cứu trợ này.



Ben Bennett, nhà chiến lược tại công ty quản lý quỹ Legal and General Asset
Management (Anh), đã dùng cụm 'hoang mang (lan tỏa) từ từ' để mô tả kịch bản mà
những người có tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng Síp lo ngại: Các ngân hàng
phá sản và kinh tế suy thoái.



Mặc dù tới thời điểm này, các thị trường toàn cầu không phản ứng mạnh trước tình
hình tài chính ở Síp, nhưng giới đầu tư lo ngại rằng những tiền lệ mà Síp tạo ra
để có được gói cứu trợ này sẽ làm căng quá mức nguồn vốn của ngân hàng, làm tổn
thương các doanh nghiệp, tác động xấu lên nền kinh tế khu vực còn khá mong manh
cũng như làm chậm bất kỳ sự hồi phục nào.



Họ cũng e ngại những tiền lệ mà quốc đảo Địa Trung Hải tạo ra trong quá trình
giải quyết các vấn đề của một ngân hàng có thể đẩy chi phí đi vay tăng lên. Nếu
các ngân hàng phải vay tiền với chi phí cao hơn, họ sẽ miễn cưỡng cho các doanh
nghiệp vay.



Yếu tố trên gây khó khăn cho các doanh nghiệp vốn đã gặp khó khăn với suy thoái
kinh tế và tín dụng bị thắt chặt. Đồng thời, nó cũng sẽ tác động tiêu cực lên
tăng trưởng kinh tế và đặt dấu chấm hỏi về khả năng Eurozone thoát khỏi vòng
xoáy nợ công cũng như khả năng trụ vững của đồng tiền chung châu Âu.



Đối với những người gửi tiền tại ngân hàng, trong tương lai họ sẽ cảnh giác hơn
và sẽ nhanh chóng rút tiền bất cứ khi nào nghe được thông tin hệ thống ngân hàng
có vấn đề.



Các nhà đầu tư cũng để mắt tới bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy những người có tài
khoản tiết kiệm ở châu Âu có thể rút tiền gửi từ các ngân hàng vì lo ngại có kết
cục giống như những người có tiền gửi ở các ngân hàng Síp.



Tuy nhiên, tối thiểu cũng phải bốn tuần nữa các ngân hàng trung ương ở châu Âu
mới công bố số liệu về phản ứng của những người có tiền gửi tại ngân hàng trong
tháng 3/2013 và toàn cảnh tình hình một tháng sau đó. Cho tới khi có những bằng
chứng rõ ràng, các nhà đầu tư sẽ vẫn lo lắng./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: