Tiến sỹ Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng LiênVietPostBank cho rằng cần phá 3 “cái độc” gồm độc canh, độc quyền và “độc ác”- tín dụng đen, thì mới có thể thúc đẩy tín dụng cho phát triển kinh tế xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.



Phát biểu tại hội thảo “Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long” trong khuôn khổ Diễn đàn xúc tiến đầu tư tại khu vực ngày 25/11, tại Vĩnh Long, ông Hưởng nhấn mạnh hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn không thua kém Tổng công ty lương thực (Vinafood) nhưng do thua kém về “cái tên” nên gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh lúa gạo, dẫn đến chưa phát huy được hiệu quả kinh doanh.



Mặt khác, người nông dân cũng thường xuyên bị thương lái ép bán lúa non do thiếu các hệ thống máy móc để sấy lúa, đảm bảo chất lượng sau thu hoạch nên điệp khúc “được mùa, mất giá” vẫn xảy ra, là “dư địa” cho tín dụng đen phát triển...



“Chính tình trạng độc canh trong nông nghiệp cùng với những khó khăn trên đã khiến cho nguồn vốn tín dụng dù đã đồ về nông nghiệp, nông thôn với mức tăng mạnh, nhưng vẫn chưa thể thúc đẩy khu vực này phát triển,” ông Hưởng nói.



Đồng tình với ý kiến này, theo ông Võ Hùng Dũng-Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Cần Thơ, mối quan hệ giữa ngân hàng, doanh nghiệp-nhà chế biến, sản xuất thức ăn chăn nuôi và người nông dân cần được giải quyết một cách triệt để, tránh phải qua các khâu trung gian, làm giảm hiệu quả kinh tế.



Trong khi đó, tiến sỹ Lê Thẩm Dương thuộc Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh đến vai trò “đòn bẩy” của nguồn vốn tín dụng ngân hàng trong việc phát triển kinh tế-xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.



“Nếu chỉ bàn đến việc làm thế nào để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng hay làm sao để tăng trưởng tín dụng thì tôi cho rằng không thể biến tín dụng thành ‘đòn bẩy,’ mà thậm chí còn có tác dụng ngược lại. Vấn đề là phải làm thế nào để các doanh nghiệp, người nông dân thẩm thấu được nguồn vốn vay và đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm,” ông Dương nhấn mạnh.



Đánh giá về tình hình tín dụng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Viết Mạnh-Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định nguồn vốn tín dụng cùng với các chương trình, chính sách của Nhà nước đã tạo động lực làm thay đổi diện mạo nông thôn tại khu vực này. Tuy nhiên, thời gian qua cũng đã phát sinh một só khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn trong sản xuất nông nghiệp.



Vì vậy, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu để xây dựng cơ chế đặc thù trong cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 41 cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay (mở rộng đối tượng cho vay, nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo đối với một số đối tượng…).



Mặt khác, ngân hàng cũng rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong cho vay, như cho vay lưu vụ, cho vay thông qua chuỗi liên kết, sổ vay vốn thay cho hợp đồng tín dụng đối với người trồng lúa. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu tháo gỡ khó khăn và tiếp tục hỗ trợ cho vay mới đối với người nuôi tôm và cá tra để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn hiện nay./.




<blockquote>
Tính đến cuối tháng 8/2013, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt 301.652 tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 120.507 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 17% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc.




Ngay tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư lần này, các tổ chức tín dụng đã cam kết đầu tư vốn cho các lĩnh vực, thế mạnh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn tới cho 83 dự án, với tổng nguồn vốn lên tới 20.181 tỷ đồng.




Các lĩnh vực chủ yếu được đàu tư tín dụng là lúc gạo, thủy sản, đầu tư cơ sở hạ tầng...
</blockquote>






Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: