Ủy ban châu Âu (EC) ngày 18/12 đã quyết định ủng hộ kế hoạch điều chỉnh vốn và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Slovenia trị giá 4,8 tỷ euro.



Ba ngân hàng quốc doanh lớn nhất của nước này là Nova Ljubljanska Banka (NLB), Nova KBM (NKBM) và Abanka sẽ nhận được ngay khoản hỗ trợ 3 tỷ euro, trong khi đó hai ngân hàng khác là Factor Banka và Probanka sẽ bị đóng cửa.



Kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được Chính phủ Slovenia đưa ra trong bối cảnh tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài từ năm 2011 đã và đang tác động mạnh đến hệ thống ngân hàng nước này, đẩy Slovenia đứng trước nguy cơ trở thành quốc gia thứ 6 phải nhận gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU), sau Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland, Tây Ban Nha và Cyprus.



Mục đích của kế hoạch trên là xây dựng một hệ thống ngân hàng ổn định và hiệu quả, làm chỗ dựa vững chắc cho nền kinh tế Slovenia.



Ủy viên phụ trách chính sách cạnh tranh của EC, ông Joaquin Almunia đánh giá, kế hoạch hỗ trợ hai ngân hàng NLB, NKBM là đặc biệt quan trọng vì nó cho phép các ngân hàng này trụ vững và hoạt động trong dài hạn mà không tác động xấu đến tính cạnh tranh trên thị trường.



Đồng thời, việc đóng cửa hai ngân hàng Factor Banka, Probanka và tạm thời chấp nhận cứu trợ ngân hàng Abanka cũng là hợp lý nhằm tránh những tác động tiêu cực của gói cứu trợ và đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính Slovenia.



Ngay sau khi nhận được sự ủng hộ của EC, Slovenia đã triển khai việc bơm 2,7 tỷ euro vào ba ngân hàng quốc doanh lớn nhất nước này; cụ thể Nova Ljubljanska Banka (NLB) nhận được 1,5 tỷ euro, NKBM 870 triệu euro và Abanka nhận được khoản cứu trợ ban đầu 348 triệu euro.



Hoạt động này nhằm bổ sung vốn cho các ngân hàng trong việc ưu tiên giải quyết những khoản nợ xấu và cho các doanh nghiệp và cá nhân vay tiền nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế.



Cũng theo kế hoạch, Công ty quản lý tài sản trong lĩnh vực ngân hàng Slovenia (BAMC) sẽ ký một thỏa thuận mua lại 3,45 tỷ euro nợ xấu với hai ngân hàng NLB và NKBM; đổi lại, BAMC sẽ cung cấp cho NLB và NKBM số trái phiếu ngắn hạn, có thể chuyển đổi thành tiền mặt trị giá 1,2 tỷ euro.



Các chuyên gia đánh giá, kế hoạch tái cấu trúc lĩnh vực ngân hàng của Chính phủ Slovenia và quyết định ủng hộ của EC giúp hệ thống ngân hàng Slovenia tránh khỏi nguy cơ sụp đổ.



Với một kế hoạch giải cứu được chính phủ soạn thảo kỹ lưỡng, dựa trên đánh giá về thực trạng của hệ thống với những điều kiện cứu trợ chặt chẽ, nhất là liên quan đến các khoản nợ xấu, hệ thống ngân hàng Slovenia hứa hẹn sẽ thoát khỏi khủng hoảng và đi vào hoạt động ổn định trong thời gian tới.



Đặc biệt, với tuyên bố có thể tự mình giải cứu hệ thống ngân hàng trong nước, Chính phủ Slovenia đã khiến nhiều quốc gia châu Âu khác 'thở phào nhẹ nhõm' khi không phải ra tay cứu trợ nước này./.




Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: