Sách Trắng ODA vừa công bố của Chính phủ Nhật Bản cho biết nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của nước này đã trở thành “nguồn đầu tư cho tương lai” hiệu quả đối với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) cũng như với Nhật Bản, góp phần thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng của cả hai bên.



Sách Trắng ODA năm 2013 nhấn mạnh việc đảm bảo nguồn vốn ODA của Nhật Bản sẽ giúp đẩy nhanh các sáng kiến của ​​ASEAN trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực, hướng tới mục tiêu tăng cường kết nối khu vực và hình thành một cộng đồng kinh tế hội nhập sâu hơn vào cuối năm 2015.



Cùng với việc hỗ trợ ASEAN trong tiến trình hội nhập, báo cáo này cũng hy vọng rằng (Chính phủ Nhật Bản) sẽ nỗ lực hơn nữa và có những kế hoạch thực hiện hiệu quả nguồn vốn ODA để xây dựng nền tảng phát triển cho các doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài.



Với tổng dân số khoảng 600 triệu người và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 2.000 tỷ USD, ASEAN thu hút sự quan tâm chú ý của thế giới như một “trung tâm sản xuất lớn.”



Đầu tư của Nhật Bản tính tới năm 2011 vào ASEAN chiếm 17% tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này.



Trong năm 2012, tổng vốn ODA của Nhật Bản đạt khoảng 10,60 tỷ USD, giảm 2,1% so với năm trước đó và đứng thứ năm sau Mỹ, Vương quốc Anh, Đức và Pháp.



Việt Nam là nước nhận ODA lớn nhất của Nhật Bản với 1,64 tỷ USD, tiếp theo là Afghanistan với 873 triệu USD, Ấn Độ với 704 triệu USD và Iraq với 360 triệu USD. Trong số các nước ASEAN, Campuchia xếp thứ bảy, Myanmar thứ 17 và Lào thứ 18.



Để hỗ trợ cải cách kinh tế và dân chủ tại Myanmar, tháng 5/2013 Nhật Bản đã cung cấp khoản vay lãi suất thấp trị giá 51,1 tỷ yen, để giúp xây dựng cơ sở hạ tầng của Myanmar, nối lại viện trợ ODA cho nước này sau 26 năm.



Song song với viện trợ cho ASEAN, Sách Trắng kêu gọi việc tăng ODA cho châu Phi, nhất là cho giáo dục và tạo thuận lợi cho vận tải qua biên giới ở các vùng cận Sahara.



Do tình hình an ninh khu vực được cải thiện và nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên rất lớn của Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác, khu vực châu Phi cận Sahara có mức tăng trưởng GDP trung bình 5,8% trong giai đoạn 2002-2011, cao thứ hai xét theo góc độ khu vực sau Đông Á (với tăng trưởng GDP 8,8%).



Giống như Ấn Độ, châu Phi có tiềm năng rất lớn để trở thành thị trường tiêu thụ khổng lồ trong tương lai. Thế giới đang chú tâm tới châu Phi như đối tác kinh doanh chứ không đơn thuần là một khu vực chỉ nhận viện trợ./.


Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: