Với tư cách là chủ tịch luân phiên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) kể từ đầu năm 2014, Thụy Sĩ đã bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng trước những diễn biến đang diễn ra tại Crimea, khu vực tự trị miền nam Ukraine trên Biển Đen.



Trong năm điều hành, Thụy Sĩ đã cam kết sẽ đóng góp đáng kể nhằm tăng cường an ninh và ổn định, cải thiện cuộc sống của người dân và tăng cường khả năng hành động của OSCE.



Trong khi đó, chính phủ Thụy Sĩ ngày 28/2 đã tuyên bố sẽ đóng băng tất cả các quỹ của Tổng thống Ukraine bị phế truất Viktor Yanukovych tại Thụy Sĩ, đồng thời tiến hành điều tra cáo buộc rửa tiền đối với ông Yanukovych, cùng con trai triệu phú của ông là Olexandr Yanukovych.



Chính phủ Thụy Sĩ tự đưa ra quyết định mà không nhận được yêu cầu đầu tiên từ chính phủ lâm thời tại Kiev.



Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết tất cả các tài sản và tài khoản ngân hàng của ông Yanukovych và 19 người khác trong đoàn tùy tùng của ông ở Thụy Sĩ đã bị chặn. Bộ ngoại giao Thụy Sĩ cho biết vẫn còn quá sớm để nêu tên những người có quan hệ với khối tài sản.




Cùng với Thụy Sĩ, quốc gia láng giềng Áo và Liechtenstein đều có thông báo tương tự về việc đóng băng tài sản. Liên minh châu Âu cũng đã đồng ý các biện pháp như vậy, nhưng vẫn còn cân nhắc để thực hiện.
Tuần trước, Thụy Sĩ đã cấm xuất khẩu vũ khí và đạn dược cho Ukraine.



Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Didier Burkhalter kêu gọi tất cả mọi người có liên quan cần thể hiện trách nhiệm và thận trọng nhằm thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để tránh bạo lực và leo thang hơn nữa ở khu vực tự trị miền nam Ukraine.



Bán đảo tự trị Crimea nằm ở miền Nam Ukraine. Tuy nhiên, hơn 60% dân cư ở đây là các dân tộc của Nga và đặc khu hành chính Sevastopol là nơi đặt đại bản doanh Hạm đội Biển Đen của Nga. Do vậy, Crimea là một trong những khu vực thân Nga nhất ở Ukraine./.


Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: