Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Tại buổi công bố Báo cáo của Ủy bán Giám sát tài chính quốc gia ngày 24/4, các chuyên gia đều nhận định, hiện sức khỏe của hệ thống các tổ chức tín dụng đã tốt lên nhiều nhưng cũng có ý kiến cho rằng hiệu quả sinh lời của hệ thống này vẫn thấp.



Tài sản tăng, lợi nhuận giảm



Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy bán Giám sát tài chính quốc gia cho biết, năm 2013 tổng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng đã tăng 15% so với năm 2012. Mức tăng này là tương đối cao, bởi mức tăng 1% của những năm sau khác hẳn với mức tăng 1% của những năm trước.



'Hiện tổng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng lớn hơn nhiều so với trước đây nên tăng 15% là rất lớn,' ông Phước nhấn mạnh.



Ngoài ra, chất lượng tài sản được cải thiện, trong đó tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu tổ chức tín dụng đang có xu hướng bắt đầu giảm. Hiện hệ thống ngân hàng đã xử lý khoảng 106.000 tỷ đồng nợ xấu; trong đó xử lý bằng nguồn dự phòng 66.000 tỷ đồng, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) mua khoảng 40.000 tỷ đồng.



Đáng chú ý, theo ông Phước, cơ cấu tín dụng theo loại tiền trở nên cân đối hơn với việc tín dụng VND tăng từ 81% (2012) lên mức 85% (2013) đồng nghĩa với tỷ trọng tín dụng ngoại tệ giảm, điều này cũng phản ánh một phần là hiện tượng USD hóa đã giảm.



Ông Phước cho rằng cơ cấu tài sản chuyển dịch theo hướng tích cực hơn. Trước đây, cứ 100 đồng thì 70 đồng là tiền huy động, và 30 đồng là tiền vay mượn trên thị trường liên ngân hàng. Nhưng nay, tỷ trọng tài sản thị trường liên ngân hàng giảm từ 23% (2011) xuống còn 17% (2013). 'Mức giảm 6 điểm phần trăm này mà nói nôm na là 6 đồng đã được bù đắp từ tiền gửi của dân, hạn chế vay mượn, rủi ro trên thị trường liên ngân hàng,' ông Phước giải thích.



Thừa nhận nhiều mặt được của hệ thống ngân hàng thời gian qua nhưng các chuyên gia cũng cho rằng hiệu quả sinh lời thời gian qua của các tổ chức tín dụng lại giảm mạnh.



Theo ông Phước, thực ra với dư nợ tín dụng tăng lên thì thông thường lợi nhuận ngân hàng tăng theo. Nhưng hiệu quả sinh lời ngân hàng giảm mạnh từ năm 2009, với lợi nhuận trên vốn (ROE) giảm từ 15% (2009) xuống còn 6% (2013). Mức giảm này là cực lớn. “Nhiều tổ chức tín dụng còn âm lợi nhuận hoặc lợi nhuận loanh quanh ở mức 1%,” ông Phước nói.



Việc xử lý nợ xấu, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro làm cho lợi nhuận giảm mạnh nhưng nhờ đó hệ số an toàn vốn cao hơn mức tối thiểu theo quy định (9%), đạt mức 12,8% (2013).



Tuy nhiên, về con số an toàn vốn của hệ thống ngân hàng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Lê Đức Thúy cho rằng, trong hệ thống cũng có những ngân hàng có nguy cơ mất vốn, rất dễ dẫn đến khả năng đổ vỡ dây chuyền nếu tình huống xấu xảy ra. Do đó, Ủy ban cần đánh giá lại tổng thể tình hình 'sức khỏe' của toàn bộ cơ thể nền kinh tế, để biết được ở đâu có bộ phận đang tiềm ẩn nguy cơ về 'mầm bệnh.'



Nợ xấu vẫn rất… xấu



Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát, tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn của toàn hệ thống ngân hàng bắt đầu giảm. Nợ xấu theo thông lệ quốc tế được kiểm soát và giảm xuống, dao động ở mức 9-10%, tương đương mức mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra quan ngại về vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.



Ông Lê Đức Thúy cho rằng nói nợ xấu trong tầm kiểm soát thì chưa phải. Tuy nợ xấu của Việt Nam chưa nghiêm trọng đến mức không thể xử lý được nhưng cần phải có đột phá. Thế nhưng đến nay xử lý nợ xấu chỉ dựa vào nỗ lực của các ngân hàng và một vài biện pháp thì không hiệu quả.



“Thị trường đang chờ đợi những chỉ đạo, hướng đi đột phá hơn nữa của Ngân hàng Nhà nước để nợ xấu được xử lý hiệu quả,” ông Thúy nhấn mạnh.



Cùng mối băn khoăn này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhận xét: “Tôi thấy xử lý nợ xấu về bản chất là hạch toán chứ không phải xử lý bằng nguồn tài chính thực để có tác động thực vào nền kinh tế.”



Tăng trưởng tín dụng cũng được các chuyên gia quan tâm, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng tín dụng tăng là xu hướng tốt nhưng cần phân tích rõ cơ cấu tín dụng để xem hiệu quả dòng vốn đến đâu.



Theo ông Cung, nếu nhìn ngân hàng như đơn vị kinh doanh thì tiền cho Chính phủ vay hay tư nhân vay cũng như nhau, nhưng nhìn từ góc độ nền kinh tế thì không phải thế. Cụ thể, tiền cho Chính phủ vay sử dụng có hiệu quả không, có 'chèn lấn' tư nhân không, nếu kém hiệu quả và 'chèn lấn' tư nhân thì rõ ràng tiềm năng tăng trưởng nền kinh tế bị thu hẹp.



“Tôi cho rằng tín dụng chưa ra được có thể vì nghẽn ngay trong dòng, chỗ có khả năng hấp thụ thì vốn không đến nơi. Rõ ràng thị trường phân bổ tín dụng có vấn đề nên tín hiệu thị trường méo mó,” ông Cung nói.



Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, dòng tín dụng chảy nhiều vào doanh nghiệp Nhà nước, khiến khối doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vẫn rất khó khăn.



Thừa nhận thực trạng nguồn vốn tín dụng những năm qua đổ vào các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước rất lớn, Ủy ban Giám sát đã có nghiên cứu, khảo sát vấn đề này, song Chủ tịch Vũ Viết Ngoạn cho biết, chưa thể đưa ra con số cụ thể vì việc nghiên cứu chưa hoàn thành./.


Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: