Cử tri Thụy Sĩ đã bác bỏ đề xuất áp dụng mức lương tối thiểu cao nhất thế giới, đồng thời phản đối kế hoạch của chính phủ mua máy bay tiêm kích không người lái để hiện đại hóa Lực lượng không quân quốc gia.



Theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 18/5, có tới 76,3% cử tri Thụy Sĩ phản đối việc áp dụng mức lương tổi thiểu cao nhất thế giới.



Theo đề xuất này, người lao động sẽ được trả mức lương không dưới 22 franc Thụy Sĩ (24,80 USD)/giờ, như vậy mỗi tháng sẽ lĩnh 4.000 franc Thụy Sĩ (4.500 USD). Với mức tiền trên, tiền lương tính theo giờ thấp nhất của Thụy Sĩ sẽ vượt Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn đã thống nhất mức lương tối thiểu là 8,5 euro (11,6 USD)/giờ từ năm 2017, đồng thời vượt xa con số 11,1 USD - mức lương tối thiểu theo giờ được Tổng thống Mỹ Barack Obama kỳ vọng sẽ đạt được trong cuộc chiến chống đói nghèo.



Trên thực tế, việc áp dụng mức lương tối thiểu cao nhất thế giới này chỉ liên quan trực tiếp tới 9% (gần 330.000 người) đang làm việc ở các ngành như khách sạn, bán quần áo, giày dép...



Theo Chính phủ Thụy Sĩ, mức lương này có thể dẫn đến cắt giảm việc làm và thậm chí đe dọa sự tồn tại của các công ty nhỏ hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, nông nghiệp và giúp việc nhà.



Bên cạnh cuộc trưng cầu dân ý về mức lương tối thiểu, cùng ngày, cử tri Thụy Sĩ cũng đã ủng hộ đề xuất cấm người bị kết án phạm tội tình dục làm việc trong các tổ chức trẻ em cũng như vấn đề tăng cường vai trò của bác sỹ gia đình trong hệ thống tổ chức y tế cộng đồng.



Tuy nhiên, chương trình mua 22 máy bay chiến đấu Gripen của hãng Saab (Thụy Điển) nhằm hiện đại hóa hạm đội máy bay quân sự lại bị cử tri Thụy Sĩ phản đối. Mặc dù hồi tháng 9/2013, Quốc hội lưỡng viện của Thụy Sĩ đã ủng hộ dự án trị giá 3,1 tỷ franc trên, song một số khác lại cho rằng, ngoài số tiền 3,1 tỷ franc, chính phủ cần 6 tỷ franc (6,7 tỷ USD) để bảo dưỡng máy móc cho thời gian hoạt động.



Đa số người dân cho rằng nếu ký thỏa thuận mua Gripen này, Thụy Sĩ sẽ phải cắt giảm các khoản chi cho nhiều lĩnh vực khác như giáo dục.



Thụy Sĩ là quốc gia theo quy chế dân chủ trực tiếp. Hệ thống này cho phép công dân, nếu thu thập đủ 100.000 chữ ký ủng hộ, có thể đề nghị đưa bất kỳ vấn đề nào ra trưng cầu dân ý, trong khi nếu nhận được 50.000 chữ ký ủng hộ là có thể đề xuất sửa đổi một đạo luật đã được thông qua. Việc yêu cầu tiến hành trưng cầu dân ý có thể diễn ra khá dễ dàng. Mỗi năm, Thụy Sĩ thường bỏ phiếu vài lần liên quan tới một số vấn đề chung của đất nước./.




Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: