Tăng trưởng tín dụng 2014 bao giờ thì cán đích? (Ảnh: Thúy Hà/Vietnam+)


Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 3/7, tăng trưởng tín dụng cả hệ thống là 3,6% so với cuối năm 2013.



Nhiều ánh mắt không khỏi hoài nghi đang dõi về phía Ngân hàng Nhà nước với câu hỏi đặt ra, là mục tiêu tăng trưởng từ 12%-14% có trở thành hiện thực vào cuối năm 2014.



Trong các cuộc họp hàng tháng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lý giải tăng trưởng tín dụng thấp là do tính mùa vụ đầu năm, nhưng đến nay đã 6 tháng trôi qua và chắc chắn rằng lời giải thích này sẽ khó được nhiều người chấp nhận.



Niềm tin vẫn mong manh



Với tốc độ trên, tăng trưởng tín dụng sau nửa năm vẫn còn rất xa so với chỉ tiêu cả năm (12-14%). Mức tăng trưởng trên cũng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2013 (4,7%), cho dù đã cao hơn mức cùng kỳ so sánh năm 2012 (1,5%).



Thông thường, tăng trưởng tín dụng thường tăng cao trong nửa cuối năm. Nhưng với nửa đầu năm thấp như vậy, chỉ tiêu 12-14% sẽ là thách thức lớn.



Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền vay dường như không còn là để doanh nghiệp tiếp cận vốn vì tỷ trọng tín dụng có lãi suất trên 13%/năm chỉ còn 13%, trên 15%/năm là 5%, nằm giữa 13%-15%/năm còn 10%. Tính chung, tỷ trọng tín dụng có lãi suất dưới 10% chiếm tới 72%.



Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp cũng được các chuyên gia chỉ ra, là thời gian qua số lượng doanh nghiệp giải thể, đóng cửa tăng khoảng 20%, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới ở mức tương đương cùng kỳ năm ngoái. Ở một mức độ nào đó, niềm tin của doanh nghiệp được củng cố nhưng vẫn mong manh, bởi nền kinh tế vừa thoát đáy, nhưng lại xuất hiện một số bất ổn ở cả trong nước, khu vực và trên thế giới, nên tâm thế của một bộ phận doanh nghiệp là chờ đợi.



Trong bối cảnh hiện nay, niềm tin của doanh nghiệp được củng cố nhưng vẫn mong manh. (Ảnh: TTXVN)


Vấn đề quan trọng khác cũng được các chuyên gia nhấn mạnh là nợ xấu chưa được giải quyết nhanh, triệt để, một phần là do quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước chậm chạp.



Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích, tăng trưởng tín dụng thấp như trên sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đề ra là 5,8% do tín dụng là nguồn vốn đầu tư quan trọng. Ngoài ra, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng khó đạt kế hoạch đề ra do vẫn phải hạ lãi suất, cơ cấu lại nợ và nguồn thu từ tín dụng chiếm tỷ lệ cao, khoảng 81-82% tổng lợi nhuận ngân hàng.



Bên cạnh đó, tiến trình tái cơ cấu ngành nghề, các lĩnh vực trong nền kinh tế sẽ có những “vất vả” hơn do đồng vốn được đưa đến những chỗ 'cần' vẫn còn khiêm tốn. Cuối cùng, tỷ lệ nợ xấu không những khó giảm mà còn có thể tăng lên, bởi vì dư nợ thực tăng thấp khiến tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ không thể giảm.



Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhìn nhận, không phải tất cả các tổ chức tín dụng đều có mức tăng trưởng tín dụng thấp mà một số ngân hàng thương mại đã tăng tốc được trong 6 tháng qua. Ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận 6 tháng là Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), trong đó tín dụng của ngân hàng này tăng trưởng khá tốt đạt 8,8%, dư nợ cho vay các tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 16,3%, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 1,66%, giảm 0,3% so với đầu năm.



Nằm trong top ngân hàng lớn, theo số liệu sơ bộ, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietombank) đạt mức tăng trưởng tín dụng 6,6% tính đến thời điểm cuối quý 2/2014. Trong khi đó, huy động vốn tính đến hết quý 2/2014 của ngân hàng này tăng khoảng 10,9% so với thời điểm 31/12/2013.
Ngoài ra, còn một số ngân hàng khác được dự báo tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đề ra như BIDV, Sacombank, Techcombank. Tuy nhiên, những ngân hàng này chưa thể đại diện cho cả hệ thống ngân hàng được.



Giao dịch tại Vietcombank. (Nguồn: TTXVN).


Thách thức lớn



Ông Đỗ Văn Vẻ, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen nhận định, thực tế cho thấy doanh nghiệp hiện vẫn đang khó khăn ở khâu tiêu thụ sản phẩm. Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, nên tiếp tục giảm lãi suất. Như vậy, nếu cộng thêm chi phí hoạt động khoảng 1,5% thì lãi suất cho vay chỉ 4%/năm. Đặc biệt, khi chi phí vốn tiếp tục được giảm, các doanh nghiệp sẽ tích cực lập dự án kinh doanh, thậm chí còn kích thích việc thành lập các doanh nghiệp mới.



Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại thì cho rằng, ngân hàng sẽ đẩy mạnh các gói tín dụng lãi suất thấp, gia tăng các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; tích cực tham gia chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp.



Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm cho rằng, trong bối cảnh chúng ta đang bàn tới việc làm cách nào để ít lệ thuộc vào hàng hóa của Trung Quốc thì phải xem đây là cơ hội để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong nước. Sản xuất kinh doanh trong nước phát triển thì nhu cầu vay vốn mới tăng trở lại, khi đó tín dụng mới tăng theo.



Còn chuyên gia Cấn Văn Lực lại cho rằng, cơ quan quản lý cần thống nhất và tuyên truyền rộng rãi về quan điểm: mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% đặt ra nhưng không phải tăng trưởng bằng mọi giá. Bên cạnh đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng ngân hàng cần linh hoạt khi có những ngân hàng có khả năng tăng trưởng tín dụng nhiều hơn.



Hơn thế, câu chuyện xử lý nợ xấu cần được thúc đẩy mạnh mẽ, bởi một mặt giúp tín dụng có khả năng được đẩy ra nhiều hơn, mặt khác đây còn là câu chuyện niềm tin của thị trường. Song song với đó là dứt điểm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trong đó có vấn đề sở hữu chéo.



'Các doanh nghiệp cần quyết tâm tái cơ cấu, đồng hành, chân thành, minh bạch với ngân hàng để cùng tin tưởng, chia sẻ, tạo tiền đề cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền trong bối cảnh doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu tài sản đảm bảo,' ông Lực nhấn mạnh.



Vì vậy, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, để có thể đưa vốn tín dụng hiệu quả, cần có sự phối hợp của nhiều chính sách vĩ mô như chính sách tài khóa, đầu tư, chính sách với doanh nghiệp...



Hiện nay, ngành Ngân hàng đang tiếp tục xây dựng các mô hình thí điểm trong cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp để tập trung vốn vào lĩnh vực ưu tiên, được kiểm soát về chất lượng tín dụng.



“Ngành Ngân hàng cũng đang tập trung xử lý nợ xấu thông qua Công ty quản lý tài sản (VAMC). Trong thời gian tới, với giải pháp đồng bộ của Chính phủ, sự phối hợp của nhiều chính sách vĩ mô, ngành Ngân hàng cũng có các chỉ đạo tích cực, cố gắng đảm bảo mục tiêu trưởng tín dụng ở mức hợp lý, góp phần vào hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội,” Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến nhấn mạnh./.


Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: