Quốc kỳ Ấn Độ trên nóc tòa nhà quốc hội nước này. (Nguồn: Reuters)


Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley đã trình bày ngân sách chính thức đầu tiên của Chính phủ mới cho tài khóa 2014-2015 (kết thúc vào ngày 31/3/2015) tại Quốc hội khóa 16.



Ngân sách chính thức của Chính phủ do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu phần lớn vẫn tiếp tục những đường hướng trong ngân sách tạm thời mà Chính phủ tiền nhiệm đã trình bày hồi tháng 2/2014 tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 15 trước khi Ấn Độ bước vào cuộc tổng tuyển cử, song có nhiều điểm nhấn cụ thể và lộ trình thực hiện rõ ràng hơn.



Ngân sách chính thức của chính phủ mới gồm 282 điểm, tập trung thúc đẩy tăng trưởng, phát triển các ngành công nghiệp quan trọng, phát triển hạ tầng, đặc biệt xây dựng 100 “thành phố thông minh,” khuyến khích kinh doanh, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư phát triển công nghệ, sửa đổi chính sách thuế, điều chỉnh chế độ trợ cấp, trong đó có trợ cấp lương thực và xăng dầu …



Tuy nhiên, theo quan sát của giới phân tích kinh tế tại Ấn Độ, trong bản dự trình ngân sách, Bộ trưởng Jaitley đã xác định ba mục tiêu chính đó là thúc đẩy tăng trưởng, kiềm chế lạm phát và tập trung củng cố tài chính. Về củng cố tài chính, ông đề ra mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống mức tương đương 4,1% GDP trong tài khóa 2014- 2015, tiến tới 3,6% GDP trong tài khóa 2015-2016 và 3% trong tài khóa 2016-2017; nỗ lực giảm các khoản đi vay của chính phủ; tăng thuế đối với những mặt hàng không thiết yếu như thuốc lá, đồ xa xỉ phẩm và tăng thuế lãi cổ tức.



Với mục tiêu củng cố tài chính, Bộ trưởng Jaitley hy vọng sẽ kiềm chế được lạm phát, tăng tiết kiệm và đầu tư, từ đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng lên mức 7-8% hoặc cao hơn trong vòng 3-4 năm tới. Bộ trưởng Jaitley cũng hy vọng với chương trình thúc đẩy kinh tế của ông, Thống đốc Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI-Ngân hàng trung ương) Raghuram Rajan sẽ cắt giảm tỷ lệ lãi suất cho vay và qua đó sẽ khuyến khích đầu tư, kích thích tăng trưởng kinh tế.



Để đạt “bộ ba mục tiêu” về thúc đẩy tăng trưởng, kiềm chế lạm phát và củng cố tài chính, Bộ trưởng Jaitley đề nghị nâng trần đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bảo hiểm và quốc phòng lên 49% so với 26% hiện nay; tăng thêm 3% thuế đối với lợi nhuận cổ tức (dividends), áp đặt một loạt thuế bảo hộ đối với hàng nhập khẩu nhằm kích thích sản xuất trong nước; đánh thuế quảng cáo trên điện thoại di động, trên truyền thông trực truyến (online media), thuế nhập khẩu than; tiếp tục đánh thuế nhập khẩu vàng.



Đường sắt cũng được xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển của Chính phủ mới, với mức dự chi 65.445 crore rupee (1 crore = 10 triệu rupee), trong đó kinh phí do chính phủ cấp là 30.000 crore rupee, vay vốn từ thị trường 11.790 crore rupee, nguồn nội bộ của ngành 15.350 crore rupee, 6.005 crore rupee huy động thông qua hình thức đối tác công-tư (PPP), trong khi ngành đường sắt sẽ thành lập một quỹ an toàn gồm 2.200 crore rupee.



Thủ tướng Modi tuyên bố “đường sắt là bàn đạp trong giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế” và ngân sách đường sắt được sử dụng để hiện đại hóa hệ thống đường sắt, cải thiện tình trạng kết nối, thực hiện mục tiêu hiện đại hóa về công nghệ, bảo đảm an toàn cho hành khách, tăng độ tiện dụng trên tàu như kết nối Internet không dây, tăng chất lượng phục vụ ăn uống.



Về quốc phòng, Bộ trưởng Jaitley đề nghị tăng ngân sách thêm 12% lên 2,29 nghìn tỷ rupee (tương đương 38,35 tỷ USD) so với 2,04 nghìn tỷ rupee của tài khóa 2013-2014 và nhiều hơn 50 tỷ rupee so với ngân sách quốc phòng tạm thời mà chính phủ tiền nhiệm đệ trình hồi tháng Hai.



Bộ trưởng Jaitley cũng đề nghị nâng trần FDI vào lĩnh vực quốc phòng lên 49% so với mức 26% hiện nay. Đây là một trong những mục tiêu của Thủ tướng Modi nhằm tự lực sản xuất thiết bị quốc phòng và hướng tới xuất khẩu “mặt hàng” này, coi đây là một trong những mũi nhọn của nền kinh tế.



Các chuyên gia cho rằng bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách FDI có thể tạo nên hiệu ứng tích cực về quốc phòng đều liên quan đến thị trường chứng khoán.



Ông Tushar Pendharkar, nhà chiến lược về chứng khoán của Right Horizons nhận định “Chính sách tăng FDI trong lĩnh vực quốc phòng lên 49% có thể tạo hiệu ứng tích cực đối với thị trường chứng khóan liên quan đến quốc phòng”. Sáu công ty chủ chốt có thể sẽ được hưởng lợi từ sự thay đổi chính sách của chính phủ trong lĩnh vực quốc phòng gồm Astra Microwave, Bharat Electronics, M&M Defense, Tata Motors, Ashok Leyland, L&T.



Dự trình ngân sách của Chính phủ Ấn Độ thu hút sự chú ý của dư luận cả trong và ngoài nước. Giới kinh doanh Ấn Độ hy vọng ngân sách của Chính phủ mới sẽ mở rộng cơ hội cho họ làm ăn, trong khi các phái đoàn cấp cao các nước Anh, Pháp, Canada, Nga, Singapore…lần lượt tới thăm Ấn Độ trong vài tuần qua để thăm dò cơ hội đầu tư, đặc biệt vào lĩnh vực hạ tầng và quốc phòng.



Ấn Độ dự định sẽ học hỏi kinh nghiệm của Singapore và Pháp về quy hoạch đô thị, phát triển thành phố thông minh và bảo tồn các di tích văn hóa. Trong khi đó, Ấn Độ tiếp tục hợp tác với Pháp, Anh, Mỹ, Nga…trong lĩnh vực quốc phòng, song tích cực chuyển từ phương thức “người bán, kẻ mua” sang hướng cùng hợp tác nghiên cứu và sản xuất./.






Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: